Giới thiệu website
 


Tạp chí Xưa & Nay
Tòa soạn: 216 Trần Quang Khải - Hà Nội
Tel/Fax: 04.38256588
Email: tapchixuavanay@yahoo.com
VP đại diện phía Nam: 181 Đề Thám, Q. I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.38385117-Fax: 08.38385126
Email: xuanay@hcm.fpt.vn
Chủ nhiệm: Phạm Mai Hùng
TBT: Dương Trung Quốc
P.TBT: Đào Hùng, Nguyễn Hạnh



Tìm kiếm

  Tìm kiếm trên website
  Tìm kiếm trên google


 


  Liên kết website


  Thông tin website
² Chủ nhật, 22/2/2009
² Số truy cập:131702
  ² Đang online: 22
 

Quảng cáo


 
Tin tức hoạt động Hội
 
 
Khai mạc Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX

Dù được tổ chức tại một thành phố nhỏ như Thanh Hóa, hội thảo quốc gia “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN” (diễn ra trong hai ngày 18 và 19-10) vẫn thu hút hơn 400 nhà khoa học từ khắp đất nước và cả quốc tế tham dự, đóng góp những nghiên cứu mới nhất. Có lẽ ban tổ chức hội thảo cũng hơi bất ngờ khi nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và dư luận xã hội như vậy.




Tình cảm của hậu thế dành cho những giá trị lịch sử

Không chỉ có các nhà khoa học mà còn có các nhà chính trị: nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu, phó trưởng Ban tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng... và không chỉ là những hậu duệ của các chúa Nguyễn ở cố đô Phú Xuân hay đất phát tích Thanh Hóa, mà còn là hậu duệ của dòng họ Nguyễn ở khắp VN, ở nước ngoài cũng về quê tham dự ngày trọng đại này.

Một cuộc triển lãm mini đã được diễn ra ngay tại sảnh chính của địa điểm hội thảo. Những hình ảnh của đoàn làm phim Đi tìm dấu tích ba vua (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân), từ những lăng mộ hoang tàn của vua Thành Thái ở Huế, đến nghĩa trang Ba Đồn - nơi chôn những người dân bị thảm sát vì theo phong trào Cần Vương, sang tận quần đảo Reunion - nơi vị vua yêu nước Duy Tân bị lưu đày… khiến người xem không khỏi xúc động và tự hào.

Xúc động vì biết được những câu chuyện ngoài sử sách - cha ông ta đã anh dũng lựa chọn sự hi sinh như vậy và đã nhận lấy những bi kịch mà chỉ lịch sử mới minh oan được. Và tự hào vì sau rất nhiều lớp bụi thời gian, cuối cùng con cháu hôm nay cũng tìm được đến tận nơi, cả những góc tận cùng trái đất, bên kia đại dương để nâng niu nắm xương lưu đày của cha ông mang về đất mẹ.

Ngay trước giờ khai mạc hội thảo, 10 phút trong bộ phim vừa hoàn thành được công chiếu, và tất cả cử tọa đã ngồi lặng trước màn hình khi giọng nhà thơ Nguyễn Duy cất lên: “Thịt da lưu lạc xứ người/Mà linh hồn vẫn ở nơi  quê nhà… Bao triều vua phế đi rồi/Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”… Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân… chính là những hậu duệ cuối cùng xứng đáng với những vị tiên hiền - Nguyễn Hoàng đã từ mảnh đất Thanh Hóa ra đi mở mang bờ cõi cũng vào một ngày cuối thu đầu đông như thế này, 450 năm trước. Ít có hội thảo khoa học nào diễn ra nghiêm túc mà cảm động như vậy.

Khách quan, trung thực, công bằng

Trong lời khai mạc hội thảo, GS sử học Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - đã đề xuất những tranh luận về mặt tích cực lẫn hạn chế của vương triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử VN cần khách quan, trung thực, công bằng, để hội thảo có thể đi đến những nhận xét toàn diện.

Do những biến động lịch sử, cách nhìn nhận và đánh giá của hậu thế về vai trò của chúa Nguyễn và triều Nguyễn có rất nhiều thay đổi qua mỗi thời kỳ. Có khi một chiều ngợi ca, có khi phê phán, thậm chí mạt sát. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu “nhận thức lại lịch sử” đã trở thành nhu cầu của thời đại.

Nhận thức lại triều Nguyễn - như GS Phan Huy Lê  nói trong lời đề dẫn - luôn là một tất yếu, và một quá trình vận động, không có chân lý cuối cùng. Cũng vì thế mà tại hội thảo lớn nhất từ trước đến nay về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn có những vấn đề vẫn còn tiếp tục cần được làm sáng tỏ.

Với khối lượng báo cáo đồ sộ: 91 báo cáo - 800 trang khổ lớn, trong buổi sáng đầu tiên của hội thảo các nhà khoa học đã chia làm ba nhóm đề tài chính để thảo luận: “Chúa Nguyễn”, “Vương triều Nguyễn”, “Di sản văn hóa”. Với từng nhóm đề tài, hội thảo đã đặt ra những vấn đề có thể đạt đến sự thống nhất và những vấn đề sẽ còn phải tranh cãi.

Về chúa Nguyễn, công lao không thể phủ nhận là: khai phá và xây dựng Thuận - Quảng, mở mang lãnh thổ và xác lập chủ quyền trên đất Nam bộ. Nhưng còn tranh cãi gay cấn nhất là quan hệ Nguyễn - Tây Sơn và xác định công lao thống nhất đất nước. Hành động cầu viện Xiêm của Nguyễn Ánh - tuy không thành vì 5 vạn quân Xiêm đã bị chiến thuyền của Nguyễn Huệ đánh tan tác ở Rạch Gầm - Xoài Mút, nhưng cũng vẫn cần được đặt lên bàn cân lịch sử để cân công - cân tội.

Về vương triều Nguyễn, thành tựu vĩ đại nhất là đã xác định chủ quyền lãnh thổ trên một dải giang sơn tương đương nước Việt hiện nay; xây dựng được chính quyền quân chủ tập trung hoàn thiện nhất trong lịch sử đất nước; thiết lập bộ máy luật pháp, hành chính; xây dựng nền kinh tế có chủ quyền, có thông thương; bắt đầu manh nha ý tưởng canh tân xã hội. Nhưng cũng không thể không đặt ra trách nhiệm về việc đã lãnh đạo một cuộc chiến không cân sức, với những sai lầm về chiến lược dẫn đến thất bại trước sức mạnh quân sự Pháp, dẫn đến mất nước hoàn toàn vào tay thực dân Pháp năm 1885.

Với các di sản văn hóa triều Nguyễn cũng vậy. Ba di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới: đô thị cổ Hội An, kinh thành Huế, nhã nhạc cung đình Huế. Hệ thống giáo dục, thi cử thời Nguyễn, hệ thống văn bia đồ sộ, kho thư tịch khổng lồ… còn lại đến ngày nay ghi nhận thành tựu vĩ đại mà dân tộc ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn…

Nhưng cũng không thể không nhận thấy chính tinh thần Nho giáo rập khuôn của phong kiến Trung Hoa đã không còn là công cụ để trí thức VN nhận thức thời đại, chính vì thế các ý tưởng canh tân của những vị vua như Minh Mạng đã không thể kịp vận hành để thành thể chế khiến VN trở nên yếu ớt và lạc hậu trước các thế lực kinh tế, quân sự từ phương Tây tràn sang.

Với những “công” và “tội” ấy, triều Nguyễn - một trong những triều đại vĩ đại và phức tạp nhất trong lịch sử dân tộc - đang cần được và đòi hỏi các nhà khoa học phân tích, đánh giá lại khách quan, công bằng, trung thực, tạo những tiền đề khoa học cho việc biên soạn lại một bộ quốc sử của thời đại chúng ta. Mà một tiền đề quan trọng là những kết luận từ hội thảo này, sau ngày thảo luận cuối vào hôm nay 19-10.

Nguồn: tuoitre.com.vn, 19/10/2008, Ảnh: Trịnh Tiến


Các tin đã đưa:

·  Hội thảo về Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn: Kiến nghị chỉnh sửa sách giáo khoa (2/10)

·  Nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ (23/9)

·  Hội thảo khoa học về Danh sư Nguyễn Hy Quang (1634-1692) (21/9)

·  Trường thanh niên tiền tuyến Huế 1945 - Một hiện tượng lịch sử (20/9)

·  Triết vương Trịnh Tùng với lịch sử dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII (19/9)

·  Sơ kết 6 tháng đầu năm của một số hội địa phương (17/9)

·  Giới thiệu sách về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn (16/9)

·  Dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trống đồng và thanh đoản kiếm (15/9)

·  Cố Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính Đặng Phúc Thông-một trí thức chân chính của dân tộc (14/9)

·  Danh tiếng Tự Lực văn đoàn làm sang cho quê hương Cẩm Giàng... (13/9)

 
 


Hoàng Xuân Hãn
1908 / 1996








Copyright  © 2007 VAHS -  Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Cơ quan chủ quản: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Người chịu trách nhiệm chính: Dương Trung Quốc
Giấy phép số 327/GP-BC của Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 30/7/2007
Địa chỉ: 216 Trần Quang Khải - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội - Tel: 04. 39369089 - 0913553003; Fax: 04. 38256588;
Email:  hoisuhocvietnam@yahoo.com.vn;  Website: http://hoisuhoc.vn