Giới thiệu website
 


Tạp chí Xưa & Nay
Tòa soạn: 25 Tông Đản - Hà Nội
Tel/Fax: 04.8256588
Email: tapchixuavanay@yahoo.com
VP đại diện phía Nam: 181 Đề Thám, Q. I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.8385117-Fax: 08.8385126
Email: xuanay@hcm.fpt.vn
Chủ nhiệm: Phạm Mai Hùng
TBT: Dương Trung Quốc
P.TBT: Đào Hùng, Nguyễn Hạnh
Giá: 6.000Đ



Tìm kiếm

  Tìm kiếm trên website
  Tìm kiếm trên google


 


  Liên kết website


  Thông tin website
² Thứ Sáu, 16/5/2008
² Số truy cập:39856
  ² Đang online: 24
 

Quảng cáo


 
Tin tức hoạt động Hội
 
 
Thông cáo báo chí Hội thảo Khoa học

Ngày 27-3-2008, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, Đại học Hồng Bàng tổ chức cuộc Hội thảo khoa học "Thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong các trường phổ thông - Nguyên nhân và giải pháp" có sự tham gia của Ban Tuyên giáo TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội thảo được Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Viettel tài trợ chính cùng với sự tài trợ của Nhà Xuất bản Giáo dục, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam nhằm đánh giá một cách toàn diện thực trạng tình hình dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông, về chương trình môn lịch sử trong nhà trường, về nội dung sách giáo khoa lịch sử, về đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy và đào tạo sư phạm, để cuối cùng sẽ đưa ra một số kiến nghị lên Bộ Giáo dục - Đào tạo và lãnh đạo các cấp.



1. Dư luận xã hội mấy năm gần đây đã tỏ ra rất bức xúc, có cả bất bình trước điểm môn Sử trong những kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quá thấp, thấp đến mức không thể hiểu nổi. Từ đó đi tới đánh giá chung về kết quả dạy và học môn Lịch sử trong các trường phổ thông là "quá kém", cần được "báo động" trong toàn ngành, cần tìm ra nguyên nhân thực trạng đáng lo ngại đó, và các giải pháp thích hợp để khắc phục.

2. Hội thảo khoa học này được sự hoan nghênh hưởng ứng của các giáo viên dạy môn Lịch sử các trường phổ thông, các giảng viên các khoa Lịch sử các trường Đại học và Cao đẳng - đặc biệt là các trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm, của cả một số cơ quan đoàn thể và tổ chức xã hội quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và của đông đảo phụ huynh học sinh quan tâm đến việc học tập tiến bộ của con em mình.


GS. Phan Huy Lê và GS. Đinh Xuân Lâm chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Trịnh Đình Tiến

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 30 báo cáo tham luận của các trường Đại học có khoa Lịch sử, như Đại học KHXH&NV (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), ĐHKHXH&NV (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Khoa học Huế, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Hồng Bàng TPHCM, các sở GD-ĐT Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, các giáo viên dạy sử ở các trường phổ thông ở Hà Nội và một số thành phố, trong số đó có người đã trực tiếp tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa môn Lịch sử cấp trung học.


Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Trịnh Đình Tiến

3. Bám sát chủ đề: "Thực trạng việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông - Nguyên nhân và giải pháp", các báo cáo đều tập trung phản ánh tình hình cụ thể và kết quả đáng lo ngại của việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay. Qua kết quả các kỳ thi vào đại học theo thống kê của báo điện tử Vietnamnet kỳ thi Đại học năm 2005 có 58,5% số bài thi môn Lịch sử bị điểm 1 trở xuống; năm 2006 điểm trung bình các bài thi Lịch sử vào Đại học là 1,96, thấp nhất trong các môn. Riêng ở các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong tổng số bài thi môn Lịch sử là 5.399 thì có tới 2.828 dưới 1 điểm, chiếm 52,4%, trong đó có gần 600 bài điểm 0 (cứ 10 bài có một bài 0 điểm). Kết quả các bài thi môn lịch sử kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007 còn thảm hại hơn nữa. Từ thực trạng việc dạy và học môn Lịch sử trong các trường phổ thông, tác giả các báo cáo đã đề xuất các giải pháp để khắc phục. Ý kiến tập trung vào 4 vấn đề sau:

a. Cần đặt đúng vị trí môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục nhà trường phổ thông. Đó không chỉ là môn học truyền thụ kiến thức mà điều quan trọng là phải góp phần xây dựng nhân cách cho các thế hệ thanh thiếu niên. Việc coi Lịch sử chỉ là môn phụ, việc quy định năm thi, năm không thi môn sử trong chương trình tốt nghiệp phổ thông, việc cắt xén chương trình và dạy dồn giờ  để dành thời gian cho những “môn chính”… là những sai lầm từ quan niệm quản lý giáo dục, gây hậu quả tai hại, kéo dài. Một bộ phận phụ huynh chỉ thúc giục con em tập trung học các “môn chính” (để thi đại học) cũng góp phần làm cho học sinh coi nhẹ môn học này.
Khi được hỏi về những nguyên nhân giảm sút chất lượng dạy và học môn Lịch sử, có 41,19% các giáo viên cho rằng do môn Sử chưa được các nhà quản lý giáo dục trong nhà trường chú trọng đúng với vị trí cần có. Có báo cáo đã khẳng định rằng "quan niệm môn Lịch sử là "môn phụ" là nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn tới kết quả dạy và học chưa cao. Giải pháp hàng đầu là phải có sự thay đổi mang tính cách mạng về quan niệm đối với môn Lịch sử ở bậc phổ thông".

GS Đinh Xuân Lâm đọc Thông cáo báo chí. Ảnh: Trịnh Đình Tiến
GS Đinh Xuân Lâm đọc Thông cáo báo chí. Ảnh: Trịnh Đình Tiến

b. Trong những năm gần đây, chương trình và sách giáo khoa đã có một bước cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức. Song vẫn còn nhiều điều cần phải chỉnh sửa mà mục tiêu chính là tinh giản nội dung kiến thức nhằm làm cho học sinh hiểu biết vắnm chắc những điều cơ bản nhất trong lịch sử để từ đó suy nghĩ và hành động đúng với yêu cầu của xã hội, để học sinh có thể vận dụng trong cuộc sống thực tiễn. Cần mạnh dạn thiết kế lại chương trình, loại bỏ những kiến thức chưa cần thiết và không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh bậc phổ thông, chọn lọc những nội dung khoa học cần thiết. Chỉ khi nào có chương trình hợp lý và ổn định thì mới có thể có sách giáo khoa tốt.
Việc tổ chức lại lực lượng biên soạn chương trình và sách giáo khoa cũng là điều cần nghiên cứu nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.

c. Đội ngũ giáo viên là lực lượng có vai trò quyết định kết quả giảng dạy và học tập, do đó đội ngũ giáo viên phải là người chịu trách nhiệm chính trước thực trạng dạy và học môn lịch Sử ở các trường phổ thông. Thày giỏi sẽ đào tạo nên trò giỏi. Do vậy, cần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên về trình độ và chuyên môn nghiệp vụ trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm vì đây là nơi đào tạo chính đội ngũ giáo viên phổ thông. Giáo viên môn Sử ngoài những yêu cầu về trình độ và năng lực chuyên môn còn có lòng ham mê lịch sử, từ đó mới có sáng kiến trong giảng dạy làm cho môn học trở nên hấp dẫn hơn, gây hứng thú và nâng cao tính chủ động của học sinh.
Việc mở tràn lan một số trường cao đẳng và đại học sư phạm địa phương trong khi không có đủ số giảng viên có trình độ cần thiết cũng là một nguyên nhân kéo thấp chất lượng đào tạo giáo viên các môn nói chung, môn Sử nói riêng. Đời sống vật chất của giáo viên cũng là điều cần quan tâm, bởi vì do đặc điểm môn học, giáo viên dạy Sử khó có điều kiện cải thiện đời sống bằng nghề chính của mình mà phải làm nhiều việc không đúng với chuyên môn nên không thể tập trung công sức vào việc dạy học.

d. Các thiết bị dạy học hỗ trợ giảng dạy và học tập chỉ có thể thực hiện ở một số trường lớn, còn nhiều trường rất nghèo về cơ sở vật chất, chi phí cho một chuyến tham quan di tích lịch sử rất ít, phim ảnh hầu như không có… Sự thiếu thốn đó đã hạn chế kết quả dạy và học, tình trạng “học chay” làm cho học sinh dễ chán, chỉ lo học thuộc để đối phó với thi cử. Với tinh thần trách nhiệm cao, những người tham dự Hội thảo, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm khắc phục yếu kém, nâng dần chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở các trường phổ thông cho xứng tầm với vị trí của môn học, đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Sự nỗ lực của các thày cô giáo cùng sự chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý và sự tham gia tích cực của toàn xã hội nhất định sẽ đem lại những thành tựu mới cho việc dạy và học môn lịch sử ở các trường phổ thông. Đó là niềm tin có cơ sở của toàn thể những người tham gia hội thảo.

Ban Tổ chức Hội thảo Khoa học "Thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong các trường phổ thông - Nguyên nhân và giải pháp"


Các tin đã đưa:

·  Hội Khoa học Lịch sử TPHCM: Đại hội lần thứ V (3/9)

·  Khẳng định và tôn vinh danh nhân Phan Huy Chú (31/8)

·  Thông báo về cuộc họp Ban Thường vụ mở rộng ngày 19/11/2007 (30/8)

·  Trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 8 - năm 2007 (29/8)

·  Đại hội lần thứ II Hội Sử học tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (28/8)

·  Triển lãm ảnh “Hà Nội – Huế - Sài Gòn đầu thế kỷ XX” (27/8)

·  Khẳng định cội nguồn và lịch sử phát triển vùng đất Nam bộ (26/8)

·  Phan Khôi- Ngọn thông reo mãi với thời gian (25/8)

·  Kỷ niệm 50 năm Ngày mất của đồng chí Nguyễn Chánh (23/8)

·  Tưởng niệm 707 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (22/8)

 
 





Copyright  © 2007 VAHS -  Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Cơ quan chủ quản: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Người chịu trách nhiệm chính: Dương Trung Quốc
Giấy phép số 327/GP-BC của Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 30/7/2007
Địa chỉ: 25 Tông Đản - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội - Tel: 04. 9350736; Fax: 04. 8256588;
Email:  thanhxuanay@yahoo.com.vn ;  Website: http://hoisuhoc.vn