Giới thiệu website
 


Tạp chí Xưa & Nay
Tòa soạn: 25 Tông Đản - Hà Nội
Tel/Fax: 04.8256588
Email: tapchixuavanay@yahoo.com
VP đại diện phía Nam: 181 Đề Thám, Q. I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.8385117-Fax: 08.8385126
Email: xuanay@hcm.fpt.vn
Chủ nhiệm: Phạm Mai Hùng
TBT: Dương Trung Quốc
P.TBT: Đào Hùng, Nguyễn Hạnh
Giá: 6.000Đ



Tìm kiếm

  Tìm kiếm trên website
  Tìm kiếm trên google


 


  Liên kết website


  Thông tin website
² Thứ Sáu, 16/5/2008
² Số truy cập:39856
  ² Đang online: 24
 

Quảng cáo


 
Tin tức hoạt động Hội
 
 
Lời khai mạc Hội thảo Thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong các trường phổ thông - Nguyên nhân và giải pháp

Trong mấy năm gần đây, đặc biệt là trong kỳ tuyển sinh vào đại học và cao đẳng do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức năm 2007 với qui chế, kỷ luật chặt chẽ, kết quả về điểm số đã làm cả xã hội hết sức lo lắng về chất lượng môn lịch sử trong nhà trường phổ thông.



1. Những con số gây lo âu cho cả xã hội
 Trong mấy năm gần đây, đặc biệt là trong kỳ tuyển sinh vào đại học và cao đẳng do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức năm 2007 với qui chế, kỹ luật chặt chẽ, kết quả về điểm số đã làm cả xã hội hết sức lo lắng về chất lượng môn lịch sử trong nhà trường phổ thông.
Theo phổ điểm toàn quốc môn lịch sử khối C năm 2007do Cục Công nghệ thông tin Bộ Giáo dục và đào tạo cung cấp, thì:
- Điểm từ 0 đến 4,5/10 nghĩa là dưới trung bình có 150.234 thí sinh, chiếm tỷ lệ 95,74% tổng số thí sinh
- Điểm từ 5/10 trở lên nghĩa là trên trung bình có 6.680 thí sinh, chiếm tỷ lệ: 4,26% tổng số thí sinh.
Đặc biệt lưu ý là điểm 0/10 có 5.908 thí sinh, chiếm tỷ lệ 3,76% tổng số thí sinh và điểm cao nhất là 9/10 chỉ có 17 thí sinh, điểm 8,5/10 cũng chỉ có 17 thí sinh.
Những con số trên cho thấy kết quả học tập biểu thị qua điểm số thi tuyển sinh của môn lịch sử quá thấp, đến 97,74% dưới trung bình, trong đó 5.908 thí sinh bị điểm 0/10 nghĩa là chẳng biết gì cả hoặc sai tất cả.
So với các môn học khác, thông kê của Cục công nghệ thông tin càng làm tăng thêm nỗi lo lắng về môn lịch sử. Điểm số trung bình của môn sử là 2,09/10 đứng hạng thấp nhất so với điểm số trung bình của các môn thi là 4,28 và so với tất cả các môn khác như môn lý là 5,19, môn hóa là 4,49, môn văn là 4,41, môn toán là 3,65, môn ngoại ngữ là 3,64.

So với kỳ thi tú tài năm 2007 thì nói chung điểm số các môn cao hơn so với kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng, nhưng điểm số môn sử vẫn thấp nhất. Điểm số trung bình của môn sử là 6,19, so với điểm số trung bình của các môn là 6,68 và so với từng môn thì môn hóa là 8,04, môn toán là 8,03, môn lý là 7,55, môn ngoại ngữ là 6,21, môn văn là 6,21. Do yêu cầu tuyển sinh vào đại học và cao đẳng cao hơn, đòi hỏi sự phân hóa rõ ràng hơn nên đề thi có khó hơn, đồng thời qui chế tuyển sinh và kỹ luật phòng thi nghiêm ngặt hơn và do đó, điểm số các môn thi đều thấp hơn. Cũng theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin thì điểm số trung bình các môn thi tuyển sinh là 4,28 và độ vênh so với điểm thi tú tài là 2,40. Riêng môn sử thì độ vênh là 4,10, cũng cao nhất so với các môn khác.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, khoa học lớn và tiêu biểu nhất của cả nước, điểm số thi môn lịch sử cũng không có gì khả quan hơn các tỉnh/thành phố khác. Sau đây là phổ điểm thi môn sử khối C của Hà Nội, cũng theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo: 

Tại Hà Nội, trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng, số thí sinh bị điểm 0/10 là103, số thí sinh bị điểm 0,5 và 5 là 432 và cao nhất chỉ có 2 thí sinh đạt điểm 8,5/10. Điểm số trung bình là 2,34, thấp nhất so với các môn thi khác như lý: 5,66, văn: 5,42, hóa: 5,04, tóan: 4,49, ngoại ngữ: 4,18.
Như vậy là do chủ trương của Bộ Giáo dục và đào tạo, thi cử năm 2007 được tổ chức chặt chẽ, giám thị làm việc nghiêm túc, chế độ kiểm tra minh bạch hơn nên kết quả điểm số tuy có thấp nhưng phản ánh trung thực hơn thực chất học tập của thí sinh. Đáng lưu ý là không những điểm số môn sử rất thấp mà còn thấp nhất só với các môn thi khác trong kỳ thi tú tài cũng như thi tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Từ những số liệu thống kê cụ thể đó, nhiều vấn đề cần đặt ra để cùng nhau phân tích và thảo luận, trong hội thảo này tôi đề nghị tập trung chủ yếu vào ba vấn đề sau đây:
- Thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong nhà trường phổ thông như thế nào.
- Những nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng đó.
- Cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên và nâng cao chất lương môn lịch sử trong nhà trường phổ thông.

2. Đánh giá đúng thực trạng
Thật ra không phải năm 2007 kết quả học tập môn lịch sử cấp phổ thông mới xuống cấp một cách đột ngột như vậy. Việc tổ chức thi cử nghiêm túc làm bộc lộ kết quả học tập tương đối trung thực của các môn học, trong đó có môn sử, nhưng điều làm nhiều người bất ngờ, lo âu được phản ánh trên báo chí và dư luận xã hội nói chung như một báo động cấp cao là điểm số quá thấp và thấp nhất so với các môn thi khác. Thực ra, hầu như tất cả chúng ta, những người trong ngành, đã nhận thấy tình trạng sa sút này từ lâu. Hội Khoa học lịch sử trong các kỳ Đại hội lần thư III năm 1999, lần thứ IV năm 2005 đã đưa ra lời cảnh báo và đề xuất phương hướng giải quyết. Đặc biệt trong "Diễn đàn sử học năm 2003", chúng ta đã giành một ngày để thảo luận khá sâu sắc trên tinh thần trách nhiệm của cả giới sử học đối với môn lịch sử cấp phổ thông. Sau đó, theo yêu cầu của Ban Khoa giáo trung ương, Hội KHLS đã thành lập một Hội đồng do GS Đinh Xuân Lâm làm Chủ tịch, GS Vũ Dương Ninh làm Phó chủ tịch để nghiên cứu sâu hơn và đề xuất các giải pháp đầy đủ hơn.
Trong hội thảo hôm nay, với sự có mặt và tham gia của các nhà sử học, các nhà giáo lão thành và một số cán bộ quản lý, một số thày/cô giáo dạy sử cấp phổ thông, chúng ta không chỉ căn cứ vào điểm số mà dựa trên sự tiếp cận nhiều chiều, nhiều mặt hơn như các cuộc điều tra xã hội học, sự quan sát trực tiếp của thày/cô giáo dạy phổ thông, của thày/cô giáo chấm bài thi tuyển sinh, những sân chơi liên quan đến lịch sử trên truyền hình, những cuộc giao lưu, đối thoại với học sinh...để xem xét vấn đề một cách toàn diện, hết sức khách quan và trung thực.
  
3. Phải tìm ra đầy đủ các ngyên nhân
Khi nói về tình trạng sút kém của môn sử, trong nhận thức của không ít người thường cho rằng, nguyên do chính là học sinh không chăm chỉ học tập và môn sử khô khan, phải nhớ quá nhiều năm tháng, sự kiện, nhân vật, ít tính năng động sáng tạo không phù hợp với tuổi trẻ hiện nay. Chúng ta cần làm sáng rõ vấn đề này. Không ai phủ nhận có hiện tượng khá phổ biến là học sinh không hứng thú với môn sử, thậm chí có sự thật là nhiều học sinh không có khả năng thi vào ngành khác mới chọn khối C trong đó có môn sử. Nhưng phải đặt thêm câu hỏi tại sao học sinh không thích môn sử và phải chăng môn sử  chỉ cần trí nhớ, không đòi hỏi trí thông minh ? Theo tôi, với sách giáo khoa như hiện nay thì dù có sự cố gắng cải tiến phương pháp giảng dạy của một số thầy/cô giáo, nhưng học sinh không thích môn sử là điều dễ hiểu, gần như tất nhiên. Chất lượng giảm sút của môn sử trong nhà trường phổ thông không thuộc trách nhiệm của học sinh, càng không phải do bản thân môn sử.
Chúng ta nên phân tích các nguyên nhân một cách toàn diện, từ trong nhận thức về vai trò, chức năng của môn lịch sử trong hệ thống các môn học của nhà trường phổ thông, đến chương trình, sách giáo khoa, nội dung và phương pháp giảng dạy, điều kiện giảng dạy và học tập, đội ngũ thày/cô giáo và trách nhiệm đào tạo của hệ thống các trương cao đẳng và đại học sư phạm...
Trong toàn bộ các nguyên nhân tác động qua lại, dẫn đến tình trạng sút kém của môn sử, chúng ta cũng cần làm sáng rõ những nguyên quan trọng nhất và tập trung phân tích để thấy rõ hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, cả về mặt khách quan và những sai lầm chủ quan, đã sản sinh ra những nguyên nhân đó. Có như thế, chúng mới nhận thức sâu sắc các nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả.

4. Các giải pháp khắc phục
Yêu cầu chủ yếu của cuộc hội thảo hôm nay là trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tìm ra các nguyên nhân không phải chỉ để nhận thức và giải thích một hiện tượng đang gây sự lo âu của xã hội mà nhằm đề ra các giải pháp khắc phục thực trạng đáng buồn đó và tiến lên nâng cao chất lượng môn sử trong nhà trường phổ thông.
Nền giáo dục hiện nay đang đứng trước nhiều vấn đề cần nghiên cứu giải quyết về cơ bản trong tư duy giáo dục, trong toàn bộ hệ thống, có thể nói như là một cuộc cải cách  giáo dục. Nâng cao chất lượng môn sử cho xứng đáng với chức năng của môn học này cũng cần được giải quyết như một bộ phận trong hệ thống các môn học của cuộc một cải cách giáo dục. Vì vậy về các giải pháp, chúng tôi đề nghị chúng ta thảo luận trên hai cấp độ khác nhau: một số giải pháp bức xúc cần thực hiện gấp để khắc phục tình trạng sa sút hiện nay và những những giải pháp cơ bản, lâu dài cần nghiên cứu trong mối quan hệ của toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Hội thảo của chúng ta lại diễn ra khi Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đưa ra chủ trương cần nghiên cứu, đánh giá chương trình và sách giáo khoa các môn học trong nhà trường phổ thông. Vì vậy đây cũng là dịp chúng ta hưởng ứng chủ trương của Bộ Giáo dục và đào tao, đóng góp ý kiến cụ thể cho chương trình và sách giáo khoa môn lịch sử.
Chúng ta ghi nhận những cố gắng của việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử trong thời gian qua, nhất là những cố gắng trên tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, yêu học sinh của một số thầy/cô giáo bộ môn trong cải tiến phương pháp, bổ sung tư liệu, gắn bó với lịch sử dân tộc với lich sử địa phương... Nhưng rõ ràng những cố gắng trên từng bộ phận như vậy không cứu vãn nỗi tình trạng sa sút của môn sử trong nhà trường phổ thông trên cả nước. Trong tình hình chưa có kế hoạch toàn bộ nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, thì riêng đối với môn sử chúng ta có thể đề xuất những giải pháp gì?
Chúng ta sẽ thảo luận về mọi giải pháp, nhưng cũng nên tập trung vào những giải pháp cơ bản nhất. Xuất phát từ những nguyên nhân gây ra sự sa sút của môn học, chúng ta nên trao đổi cách khắc phục từ nhận thức về chức năng, vai trò của môn lịch sử, nhất là nhận thức về yêu cầu giáo dục của bản thân môn lịch sử, cho đến chương trình rồi sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy của thày/cô giáo, phương pháp học tập của học sinh, điều kiện và phương tiện cần thiết bảo đảm dạy và học môn sử, rồi cả chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ thày/cô giáo của hệ thống các trường sư phạm. Một vấn đề rất quan trọng cần làm sáng rõ là trong nhận thức lịch sử như một khoa học, việc ghi nhớ một số sự kiện, nhân vật là cần thiết, nhưng tuyệt đối không phải chỉ cần nhớ, học thuộc lòng mà còn có những yêu cầu cao hơn, mang tính khoa học và hấp dẫn hơn đối với học sinh phổ thông. Việc nâng cao chất lượng môn sử bằng yêu cầu tăng thêm giờ môn học, tăng thêm khối lượng kiến thức cần phải được phân tích, đánh giá lại trên kinh nghiệm thực tế của thời gian qua và yêu cầu khoa học của môn lịch sử.
Trên thế giới, các nước đều coi môn lịch sử là một trong những môn học cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông. Nước ta trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, môn lịch sử, trước hết là môn quốc sử, càng giữ vai trò quan trọng trong trang bị kiến thức cơ sở, giáo dục các giá trị truyền thống, góp phần xác lập bản lĩnh con người để thế hệ trẻ cùng với nền tảng giáo dục phổ thông, có thể bước vào đời, thực hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội.  Sau bậc học phổ thông, chỉ có một số ít học sinh đi các các ngành của khoa học lịch sử, còn đại bộ phận đi vào các ngành khoa học khác mà không còn tiếp tục học môn lịch sử. Vì vậy đối với thế hệ trẻ, kiến thức lịch sử chỉ được trang bị chủ yếu qua môn sử cấp phổ thông, cộng với những hiểu biết được bổ sung qua đọc sách báo hay tự học. Nếu không sớm cải cách môn lịch sử cấp học phổ thông, khắc phục tình trạng sa sút đến mức báo động như hiện nay thì sẽ tạo ra những hẩng hụt trong kiến thức về lịch sử Việt Nam và thế giới, để lại những hệ quả rất đáng lo ngại trong kế thừa các giá trị di sản lịch sử và văn hóa dân tộc, trong gìn giữ bản sắc dân tộc, trong định hướng phát triển nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam nhất là khi giao lưu và đối thoại với các nền văn minh, văn hóa thế giới. Chỉ có đứng vững trên nền tảng hiểu biết cần thiết về đất nước, lịch sử và văn hóa Việt Nam cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa mà các thế hệ tổ tiên để lại, thế hệ trẻ mới phát huy hết năng lực sáng tạo của tuổi trẻ, ý thức sâu sắc trách nhiệm góp phần xây dựng đất nước, tiếp nhận những thành tựu văn minh, khoa học, công nghệ thế giới và giữ gìn bản sắc dân tộc.
 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam coi trong việc để cho môn sử cấp giáo dục phổ thông bị sa sút, có trách nhiệm liên đới của giới sử học chúng ta. Và trong việc sớm chấm dứt tình trạng đó, khôi phục vị trí môn sử, phát huy chức năng môn sử, nâng cao chất lượng dạy và học môn sử trong nền giáo dục phổ thông, cũng có trách nhiệm to lớn của giới sử học. Hội thảo của chúng ta được tổ chức trong ý thức và tinh thần trách nhiệm như vây.
Với sự có tham dự của nhiều nhà sử học, các nhà giáo thuộc nhiều thế hệ, nhà quản lý và đại diện một số cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, trước hết là với tất cả tấm lòng yêu mến lịch sử, yêu mến lớp trẻ, với trách nhiệm sâu sắc trước nhân dân và lịch sử, chúng tôi hi vọng hội thảo của chúng ta sẽ đạt kết quả tốt đẹp, đóng góp phần tích cực, thiết thực nhất cho việc nâng cao chất lượng dạy và học môn sử cấp phổ thông.                


Các tin đã đưa:

·  Chuẩn bị tổ chức Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII (6/9)

·  Đại hội lần thứ nhất Hội khoa học lịch sử tỉnh Sơn La (5/9)

·  Thông cáo báo chí Hội thảo Khoa học (4/9)

·  Hội Khoa học Lịch sử TPHCM: Đại hội lần thứ V (3/9)

·  Khẳng định và tôn vinh danh nhân Phan Huy Chú (31/8)

·  Thông báo về cuộc họp Ban Thường vụ mở rộng ngày 19/11/2007 (30/8)

·  Trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 8 - năm 2007 (29/8)

·  Đại hội lần thứ II Hội Sử học tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (28/8)

·  Triển lãm ảnh “Hà Nội – Huế - Sài Gòn đầu thế kỷ XX” (27/8)

·  Khẳng định cội nguồn và lịch sử phát triển vùng đất Nam bộ (26/8)

 
 





Copyright  © 2007 VAHS -  Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Cơ quan chủ quản: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Người chịu trách nhiệm chính: Dương Trung Quốc
Giấy phép số 327/GP-BC của Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 30/7/2007
Địa chỉ: 25 Tông Đản - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội - Tel: 04. 9350736; Fax: 04. 8256588;
Email:  thanhxuanay@yahoo.com.vn ;  Website: http://hoisuhoc.vn